NƯỚC CỐT NHÀU DƯỚI GÓC NHÌN KHOA HỌC

Cây nhàu có rất nhiều dược tính quý nhưng hiện nay vẫn chưa được biết đến và sử dụng nhiều, trong khi đó Việt Nam lại là một trong những đất nước có nguồn nguyên liệu về nhàu phong phú và dồi dào cũng như nền Y học cổ truyền đã có kinh nghiệm sử dụng nhàu trong điều trị một số bệnh lý.
Chính vì vậy, mong rằng thông qua bài viết này chúng ta có thể biết được thêm tác dụng của cây nhàu dưới góc nhìn khoa học thông qua các nghiên cứu và các kiến thức của Y học cổ truyền.


1/ Tác dụng hạ huyết áp của nhàu :



Tăng huyết áp là một bệnh lý tim mạch phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam và có xu hướng ngày càng gia tăng. Tăng huyết áp nếu không được phát hiện và điều trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não và nhiều biến chứng khác. Điều trị tăng huyết áp hiện nay chủ yếu là sử dụng thuốc kết hợp với thay đổi và điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện để đạt được huyết áp mục tiêu. Quả nhàu và rễ nhàu là những thực phẩm bổ sung trong chế độ ăn uống có tác dụng hạ huyết áp góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.

Trong rễ cây nhàu có chứa nhiều hợp chất thiên nhiên như lignin, pholysaccharide, flavonoid, irridoid, scoppletin, catechin, betasitosterol, damnacanthal, alkaloid và nhiều các hợp chất khác. Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi thì rễ nhàu có tác dụng hạ huyết áp, êm dịu thần kinh giao cảm và không gây nghiện. Có thể sử dụng rễ nhàu đơn giản bằng cách sắc uống hàng ngày thay cho nước chè, dùng duy trì lâu dài có tác dụng ổn định huyết áp rất tốt.

Nước cốt từ trái nhàu có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng bao gồm vitamin C, các chất chống oxy hóa và khoảng 12 hợp chất đã được xác định như: các hợp chất phenolic như coumarin (scopoletin và esculetin), flavonoid (rutin, quercetin, dẫn xuất quercetin, isoquercitrin và kaempferol), acid phenolic (acid vanillic), vanilin và iridoids (acid asperulosidic và acid  deacetylasperulosidic). Với thành phần đa dạng các hợp chất nêu trên, trái nhàu đem lại rất nhiều giá trị sức khỏe trong đó bao gồm cả những tác động tích cực đối với các bệnh lý tim mạch như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Với các giá trị dinh dưỡng mà nhàu đem lại, tại châu Âu và Mỹ đều coi nhàu là một thực phẩm mới bổ sung dinh dưỡng rất tốt và đầy tiềm năng.


2/ Tác dụng của nhàu trong thoái hóa khớp :



Nhàu từ lâu đã được sử dụng để điều trị giảm đau cơ xương khớp do tác dụng ức chế quá trình viêm. Một số nghiên cứu được thực hiện trên người đã cho thấy tác dụng tiềm năng của nhàu trong các bệnh lý cơ xương khớp. Một nghiên cứu(1) trên 90 người (48 nữ, 42 nam ) được chuẩn đoán mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Bệnh nhân trong nghiên cứu được chia làm 3 nhóm:
 Nhóm chỉ sử dụng nước cốt nhàu  (A).
 Nhóm được sử dụng cả nước cốt nhàu và tập phục hồi chức năng nhóm (B).
 Nhóm chỉ điều trị bằng vật lý trị liệu (C).  
Sau 4 tuần nghiên cứu, các nhà nghiên cứu ghi nhận số người  thuyên giảm hoàn toàn hoặc cải thiện rõ rệt các triệu chứng khi kết thúc nghiên cứu ở nhóm A là 18/30 (60%), nhóm B 27/30 (90%), nhóm C 25/30 (83%). Có thể thấy ở nhóm B kết hợp tập phục hồi chức năng và sử dụng nước cốt nhàu cho thấy hiệu quả hơn hẳn trong giảm đau và tăng khả năng vận động so với chỉ tập phục hồi chức năng đơn thuần.

Một nghiên cứu khác trên bệnh nhân có thoái hóa khớp cũng đã được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của nước cốt nhàu trong cải thiện chất lượng cuộc sống. Nghiên cứu được thực hiện trong 12 tuần, các bệnh nhân có thoái hóa khớp gối hoặc khớp háng, không sử dụng thuốc điều trị, được dùng 29,5 ml nước cốt nhàu 3 lần/ngày trước các bữa ăn sáng, trưa và tối. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận nước cốt nhàu giúp làm giảm 23,7% tần suất các cơn đau nhiều và giảm 16,4% mức độ đau khớp đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống và tinh thần của bệnh nhân được sử dụng. Mức độ hài lòng với sức khỏe của bệnh nhân tăng lên khoảng 19%. Trong thời gian sử dụng nước cốt nhàu, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy không có thay đổi đáng kể về các chỉ số chức năng gan, thận, đường máu. Từ kết quả của các nghiên cứu trên đã cho thấy giá trị của sử dụng nhàu trong các bệnh lý thoái hóa khớp nhằm cải thiện triệu chứng đau và nâng cao chất lượng cuộc sống.


3/ Tác dụng của nhàu trong rối loạn mỡ máu :



Rối loạn mỡ máu là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của các bệnh lý tim mạch nói chung và xơ vữa động mạch nói riêng, có thể ảnh hưởng đến các động mạch trong cơ thể như động mạch vành-động mạch cung cấp máu cho tim, động mạch cảnh và các động mạch não, động mạch thận… Việc điều trị và kiểm soát tốt mỡ máu đã được chứng minh giúp làm giảm tỷ lệ xảy ra các biến cố tim mạch. Điều trị rối loạn mỡ máu là sự kết hợp của điều chỉnh chế độ ăn uống, chế độ tập luyện và sử dụng thuốc khi có chỉ định. Nhàu là một trong những thực phẩm có tác dụng rất tốt trong kiểm soát mỡ máu, một nghiên cứu(2) đã được thực hiện trên 132 người hút thuốc lá nhằm đánh giá tác dụng giảm mỡ máu của nước cốt nhàu trên những người hút thuốc lá ghi nhận. Sử dụng nước cốt nhàu trong 30 ngày giúp làm giảm mức độ cholesterol toàn phần, LDL cholesterol và tryglycerid. Trong đó mức độ cholesterol toàn phần giảm từ 18 đến 22%, LDL cholesterol giảm từ 8,9 đến 22,9%, tryglycerid giảm từ 9,5 đến 21,6% tùy thuộc mức độ rối loạn mỡ máu ban đầu. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng tuyệt vời của bổ sung nước cốt nhàu vào chế độ ăn nhằm kiểm soát tốt hơn tình trạng rối loạn mỡ máu giúp dự phòng các nguy cơ tim mạch.


4/ Tác dụng hồi phục của nhàu đối với tập luyện thể thao :




Trái nhàu từ lâu đã được người dân trên những hòn đảo Thái Bình Dương sử dụng như một thực phẩm bổ dưỡng nhằm phục hồi sức khỏe sau những chuyến đi dài ngày. Một số nghiên cứu lâm sàng đã được tiến hành nhằm tìm hiểu vai trò tăng cường sức khỏe của nhàu đối với con người. Một nghiên cứu(3) được tiến hành trên 40 vận động viên chạy bộ (cự ly 1500 – 10000 m) nhằm đánh giá tác dụng của nhàu đối với sức bền của con người, trong đó những vận động viên tham gia được chia thành 2 nhóm: nhóm sử dụng 100 ml nước cốt nhàu 2 lần/ngày, 30 phút trước ăn và nhóm sử dụng giả dược (không phải nước cốt nhàu). Các vận động viên được đánh giá sức bền bằng cách đo thời gian chạy thảm chạy cho đến khi mệt cơ tại thời điểm bắt đầu và sau 21 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm sử dụng nước cốt nhàu cải thiện thời gian chạy tới khi mệt cơ lên đến 21% so với thời điểm bắt đầu nghiên cứu trong khi nhóm không sử dụng nước cốt nhàu không có sự thay đổi thời gian chạy tới khi mệt cơ so với thời điểm bắt đầu nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng: quá trình tập luyện cường độ cao làm tạo ra và gia tăng thêm các gốc tự do và chất oxy hóa trong cơ thể. Nước cốt nhàu với khả năng chống lại các gốc tự do và chất oxy hóa đã chứng minh dẫn đến giúp giảm thời gian phục hồi và tăng sức bền đối với quá trình tập luyện cường độ cao.

Một nghiên cứu khác(4) cũng được thực hiện trên các vận động viên cho thấy sử dụng nước cốt nhàu mỗi lần 100 ml trước ăn, ngày 2 lần trong 30 ngày ghi nhận giảm đáng kể creatine kinase (CK - một chất đánh giá mức độ tổn thương cơ) ở nhóm vận động viên sử dụng nước cốt nhàu. Giải thích điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng quá trình tập luyện thể thao cường độ cao sản sinh ra các gốc tự do và các chất viêm, nước cốt nhàu có chứa nhiều các hợp chất có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm đã giúp bảo vệ tế bào cơ, hạn chế tổn thương cơ do đó giúp tăng sức bền và giảm thời gian hồi phục sau tập luyện cường độ cao. Các nghiên cứu đã cho thấy vai trò rất tốt của nhàu giúp hồi phục thể lực và nâng cao sức bền đối với những người thường xuyên phải tập luyện, lao động cường độ cao.  

Qua góc nhìn của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chúng ta đã có thêm thông tin cũng như những cơ sở vững chắc về tác dụng của Nước Cốt Nhàu. 

Tài liệu tham khảo :
(1) Akinbo S, Noronha C, Okanlawon A, Denesi M. Comparative study of the effect of Morinda citrifolia (Noni) with selected physiotherapy modalities in the management of patients with cervical spondylosis. Niger J Health Biomed Sci. 2007;5(2):6-11. doi:10.4314/njhbs.v5i2.11590

https://www.ajol.info/index.php/njhbs/article/view/11590

(2) Wang MY, Peng L, Weidenbacher-Hoper V, Deng S, Anderson G, West BJ. Noni Juice Improves Serum Lipid Profiles and Other Risk Markers in Cigarette Smokers. Sci World J. 2012;2012:1-8. doi:10.1100/2012/594657
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23097636/

(3) Morinda citrifolia L. (noni) improves athlete endurance: Its mechanisms of action
https://academicjournals.org/journal/JMPR/article-full-text-pdf/736746415191
 
(4)  Anugweje, K. C. and Okonko Io. “Effect of Noni Supplementation on the Serum Creatine Kinase (CK) Levels of Athletes.” (2012)

http://www.idosi.org/wjss/7(1)12/8.pdf

 

Comment