Đánh thức giá trị quả nhàu
Quả nhàu không còn xa lạ với nhiều người. Đây là loại quả có rất nhiều dược tính quý nhưng chưa được sử dụng rộng rãi và dường như mọi người đã bỏ quên chúng. Để đánh thức giá trị của quả nhàu, chị Bùi Thị Tuyết Nhung (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về công dụng và sản xuất ra những sản phẩm từ nhàu.
ANH: M.L
Chị Nhung kể, từ nhỏ, ở góc vườn nhà có một cây nhàu rất nhiều quả, lại thấy ông bà hay hái quả này ăn sống hoặc ngâm rượu uống chữa bệnh. Dù biết quả này có rất nhiều dược tính đông y rất tốt, nhưng do mùi nồng cay đặc trưng nên nhiều người không thích. Một số nơi, cây nhàu bị chặt bỏ dần.
“Đi nhiều nơi, mình lại thấy những cây nhàu phát triển một cách mạnh mẽ, không cần chăm bón, ngay ở trên đảo hay trên núi, chúng đều mọc và rất sai quả. Mình tự tìm hiểu giá trị của nó thì được biết các bộ phận của cây nhàu đều có công dụng. Hơn nữa, ở các nước khác thì quả nhàu được dùng rất nhiều trong khi ở Việt Nam lại bỏ quên. Mình nghiên cứu sản phẩm từ loại cây nhàu với mong muốn mọi người nhận ra giá trị của nó, không chặt bỏ như trước nữa, đồng thời có thể tạo thêm sinh kế cho người dân, biến những quà nhàu xù xì thành một sản phẩm có giá trị” - Chị Nhung chia sẻ về việc lựa chọn hướng khởi nghiệp từ loại trái cây rất dân dã này.
Bắt đầu khởi nghiệp, chị Nhung đã dành hơn 2 năm để nghiên cứu tìm hiểu về công dụng và những sản phẩm có thể tạo ra từ quả nhàu, nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.
Theo chị Nhung, trong quả nhàu có rất nhiều loại a xít hữu cơ, tinh dầu, a xít amin, caroten, vitamin C, sắt, Mg, Ca, K, Na đều là dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, có tác dụng trị nhức mỏi xương khớp, hoạt huyết thông kinh, giảm đau, nhuận tràng, an thần, trợ tiêu hóa, trị tăng huyết áp, chóng mặt, mất ngủ…
Quyết tâm tìm lại giá trị cho cây nhàu, tháng 11.2019, sau bao cố gắng, sản phẩm đầu tiên là nhàu lát khô làm thức uống hàng ngày như một loại trà ra đời. Nhàu sau khi thu mua về được sơ chế sạch sẽ, ngâm muối để loại bỏ những tạp chất còn dính trong quả. Sau đó cắt lát và sấy khô trong lò sấy kín theo tiêu chuẩn quy định và đóng gói bao bì.
“Đặc điểm cây nhàu mọc ngoài tự nhiên nên rất sạch sẽ, an toàn. Quả nhàu được hái vào lúc vừa chín tới, có màu trắng hơi ngả sang vàng nhạt, đây là thời điểm quả nhàu cho giá trị dinh dưỡng cao nhất” - chị Nhung chia sẻ.
Thành công với sản phẩm đầu tiên, chị Nhung tiếp tục cho ra sản phẩm bột nhàu và trà nhàu dạng túi lọc với bao bì, nhãn mác đầy đủ, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm này đều đã được kiểm định chất lượng tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2, hiện sản phẩm được bán tại cơ sở ở phường An Phú, TP.Tam Kỳ và qua trang http://nonibestone.com/. Hàng ngày, chị Nhung vẫn dành một khoảng thời gian để livestream giới thiệu sản phẩm từ nhàu đến với người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Hồng Lê (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) sau khi dùng sản phẩm nhàu lát khô của chị Nhung cho biết, nhàu sau khi được pha thành trà có mùi vị rất lạ, không trộn lẫn vào đâu được. Một mùi thơm nồng của vị nhàu, vị chua nhẹ, vị ngọt của đường tự nhiên. Chỉ cần một lát nhàu khô đã có thể pha thành một ấm trà ngon, đặc trưng.
“Ban đầu, tôi cũng ái ngại vì mùi đặc trưng của quả nhàu, mặc dù biết quả nhàu có thể chữa được nhiều bệnh. Nhưng sau khi được uống sản phẩm trà nhàu này thì đã thay đổi suy nghĩ và thường xuyên đặt mua về cho gia đình uống” - chị Lê nói.
Theo chị Nhung, để phát triển sản phẩm trên thị trường cần có nguồn nguyên liệu ổn định. Mặc dù trong tự nhiên có khá nhiều, vì đây cũng là loại cây mọc hoang dại, nhưng về lâu về dài thì phải có được vùng nguyên liệu ổn định. Hiện chị thu mua nhàu tươi từ khắp nơi trên địa bàn tỉnh và ở các địa phương khác, đồng thời trồng mới vùng nguyên liệu trong các hộ dân tại địa phương.
Chỉ sau một thời gian ngắn có mặt trên thị trường, các sản phẩm từ nhàu của cơ sở chị Nhung đã có mặt nhiều nơi trên cả nước với thương hiệu Bestone được Cục Sở hưu trí tuệ công nhận. Được khách hàng đánh giá cao và trên hết là đánh thức được giá trị của quả nhàu. Đây được xem là thành công bước đầu trong hành trình khởi nghiệp của chị Nhung.
“Thời gian tới mình sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu để phát triển thêm các sản phẩm mới từ quả nhàu, đồng thời tìm kiếm thị trường sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu để giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về giá trị của một loại cây rất dân dã của Việt Nam” - chị Nhung nói.
http://baoquangnam.vn/cau-chuyen-khoi-nghiep/danh-thuc-gia-tri-qua-nhau-86192.html
Comment